• slide
  • slide
  • slide
  • slide
  • slide

Tin tức

Mở hướng cho nghề đồng Đại Bái

Ngày đăng : 12/12/2011 | Lượt xem : 8659

Mở hướng cho nghề đồng Đại Bái

Làng nghề đúc đồng Đại Bái (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) có thời chìm lắng nay đang dần dần khởi sắc với một hướng đi mới: sản xuất các sản phẩm mĩ nghệ. Một trong những người đi đầu, góp công mở hướng cho làng nghề là nghệ nhân Nguyễn Văn Điền.

Khi tôi vào nhà tìm, thật may ông có   nhà, đang miệt mài với bức tranh Tam đa cho một khách hàng ở dưới Hạ   Long (Quảng Ninh). Tạm ngưng công việc, pha ấm trà, ông mở đầu câu   chuyện giản dị, chân chất của người dân quê. “Xuất ngũ năm 1976, tôi trở   về làng với hai bàn tay trắng, tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng luôn   ấp ủ dự định khôi phục nghề truyền thống…” Lúc đó, nghề đúc đồng đã tồn   tại gần ngàn năm ở Đại Bái thực sự lâm vào tình trạng khó khăn. Người   dân làng nghề vốn chỉ quen đúc những vật gia dụng đơn giản xoong, mâm,   siêu, sanh, cơi trầu… bị cạnh tranh khốc liệt bởi đồ nhựa Trung Quốc với   giá thành rẻ, mẫu mã phong phú, nhiều người đã bỏ hẳn nghề. Năm 1988,   sau mấy năm tìm học nghề ở làng đồng Ngũ Xã (Hà Nội), Đồng Sâm (Thái   Bình), ông mở xưởng tại nhà. Thiếu vốn, ông chỉ thực hiện gia công những   sản phẩm đơn giản để quay vòng đồng thời tích cóp tiền thực hiện một số   sản phẩm tinh xảo như lư, đỉnh. Bước ngoặt đến khi ông đưa sản phẩm   làng nghề tham dự Hội chợ lần đầu tiên của tỉnh Hà Bắc “hàng mang đi bao   nhiêu hết bấy nhiêu chú ạ, lãi chả bao nhiêu nhưng đã cho tôi niềm tin   rằng sản phẩm đồng Đại Bái còn chỗ đứng trong đời sống”. Từ thành công   này, ông hướng dần đến những sản phẩm tinh xảo, có giá trị cao. Theo ông   “Đó là xu thế chung, người thợ đồng chúng tôi phải tự nâng cao tay   nghề, làm ra những sản phẩm cao cấp thì mới trụ được trong cơ chế thị   trường”. Năm 2000, khi thăm làng tranh Đông Hồ, ông nảy ra ý định đưa   tranh Đông Hồ lên đồ đồng. “Ngay lúc mới nhìn thấy những cô tố nữ thướt   tha, cậu mục đồng thổi sáo trong tranh làng Mái tôi đã say mê và ước   mong đưa lên chất liệu đồng. Thật không ngờ ý tưởng này lại mở ra một   hướng đi mới cho làng đồng”. Khi mới bắt tay vào làm, ông gặp không ít   khó khăn, những nét vẽ tinh tế của tranh Đông Hồ không dễ thể hiện trên   chất liệu đồng, nhờ sự giúp đỡ của những nghệ nhân làng tranh mà cuối   cùng ông cũng thành công. Tiếp đó, ông mở rộng phạm vi ra sản xuất tranh   chữ, tranh phong cảnh theo yêu cầu của khách. Đến giờ, tranh đồng đã   trở thành một trong những mặt hàng được ưa chuộng nhất của cơ sở gia   đình ông. Thành công của ông đã lôi kéo nhiều người cùng quay lại với   nghề truyền thống, mang lại sức sống  cho làng đồng. Làng Đại Bái bây   giờ đã có hàng trăm cơ sở xuất, sản phẩm đã mở rộng ra các loại tinh xảo   như chóe, tượng, phù điêu… Sản phẩm của làng không chỉ trụ vững tại thị   trường trong tỉnh mà vươn ra những thành phố lớn như Hà Nội, Hạ Long…và   bước đầu đã có mặt ở thị trường Đài Loan và các nước Đông Nam Á.
       
        
Gần 60 tuổi đời, hơn 20 năm gắn bó với   nghề đồng, những danh hiệu và giải thưởng tại các triển lãm, các cuộc   thi của nghệ nhân Nguyễn Văn Điền rất nhiều, vừa qua sản phẩm chóe ngũ   sắc của cơ sở gia đình ông được Hiệp hội hỗ trợ phát triển tài năng Việt   Nam trao tặng danh hiệu “Tinh hoa đất Việt”. Ông có trong tay cơ ngơi   gồm một xưởng đúc gần ngàn mét vuông cùng 2 cửa hàng lớn với hơn 40 thợ,   thu nhập bình quân 1,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng nhưng hàng ngày vẫn   tham gia sản xuất và dạy nghề cho các thanh thiếu niên trong làng. Xem   ông tỉ mỉ hướng dẫn các cháu từ phương pháp phối màu để có được ngũ sắc   (đen, đỏ ròng, vàng, xanh, bạc) cho đến cách chạm một sản phẩm sao cho   đúng với hồn Việt mới thấy tình yêu nghề của ông vẫn cháy. Đến nay, có   biết bao nhiêu thế hệ thợ đồng được bàn tay ông dìu dắt, nhiều người đã   thành tài, đứng ra mở cơ sở riêng. Ông tâm sự “lớp chúng tôi tìm ra   hướng mới cho làng nghề nhưng để làng nghề phát triển thì phải do lớp   trẻ. Vì thế tôi vẫn tâm niệm phải truyền lại tất cả những gì mình biết   cho các cháu. Tôi luôn dạy các cháu, mỗi sản phẩm phải thấm được cái Tâm   của mình. Đã thành nếp, ngày nào tôi cũng phải ngồi vào bàn đục chạm   một sản phẩm nào đó, mỗi lần hoàn thành một sản phẩm, tôi lại thấy mình   có thêm một niềm vui mới.”